Ngày 04/02/2021 07:56

Tranh cãi về hiệu quả gói 500 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ

MỹGiới chuyên gia cho rằng Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) không thể coi là thành công với chi phi đồ sộ lên tới 500 tỷ USD.

MỹGiới chuyên gia cho rằng Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) không thể coi là thành công với chi phi đồ sộ lên tới 500 tỷ USD.

Khi đảng Dân chủ và Cộng hòa mất nhiều tháng để tranh cãi về cách giải cứu nền kinh tế Mỹ, có một vấn đề vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nhà lập pháp. Đó là khôi phục Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) - nỗ lực của chính phủ nhằm giúp doanh nghiệp nhỏ vượt qua đại dịch. Tháng trước, các nhà kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ cho biết chương trình này đã cứu được gần 19 triệu việc làm.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lại không đồng ý. Các nhà kinh tế nghiên cứu chương trình này kết luận rằng nó chỉ giữ lại được rất ít việc làm. Hơn nữa, với chi phí lên đến 500 tỷ USD, rõ ràng chương trình này kém hiệu quả hơn nhiều so với các nỗ lực khác của chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế.

"Phần lớn lợi ích thuộc về số rất ít công ty, và đó có lẽ cũng là những doanh nghiệp ít cần nhất", David Autor tại Học viện Công nghệ Massachusetts, cũng là nhà kinh tế đứng đầu nhóm nghiên cứu đánh giá.

Sự khác biệt trong quan điểm về lợi ích kinh tế của PPP một phần bắt nguồn từ sự mơ hồ về mục tiêu của chương trình: cứu việc làm hay cứu doanh nghiệp. Sử dụng phương pháp khác với các nhà kinh tế học của Bộ Tài chính, Autor nói rằng PPP đã cứu được 1,4 - 3,2 triệu việc làm. Các nhà nghiên cứu khác cũng đưa ra ước tính tương tự.

Tranh cãi về hiệu quả gói 500 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ

Một khu nhà hàng ăn uống thưa người qua lại trong mùa dịch ở Mỹ. Ảnh: NYT.

Với chi phí đồ sộ 500 tỷ USD, số việc làm cứu được không thể gọi là thành công. Theo nhiều đánh giá, chính sách trợ cấp thất nghiệp cũng mang lại thu nhập cho người lao động, với chi phí ít hơn. Cùng với đó, các chương trình như hỗ trợ lương thực và cứu trợ của chính quyền địa phương còn đóng góp hiệu quả kinh tế nhiều hơn.

Và bởi vì PPP được thiết kế để tiếp cận nhiều doanh nghiệp nhất có thể, nên phần lớn số tiền đã được chuyển đến các công ty ít có nguy cơ sa thải nhân viên, hoặc công ty vốn có thể nhanh chóng đưa nhân viên quay lại dù không có trợ giúp. "Cách sử dụng quỹ thực sự không hiệu quả", Eric Zwick - nhà kinh tế học tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Chicago, người đã nghiên cứu chương trình này, cho biết.

Dù vậy, nhiều chuyên gia chính sách ở Phố Wall và Washington, cùng các doanh nghiệp và ngân hàng có đánh giá ngược lại. Họ nói rằng thành tích của PPP nên được đánh giá dựa trên những gì nó đã làm để cứu các doanh nghiệp. Theo đó, nó đã giúp ngăn chặn một thảm họa lớn hơn và thúc đẩy hàn gắn kinh tế.

"Mục tiêu chính là giữ cho doanh nghiệp tồn tại, để khi kinh tế bắt đầu phục hồi và mở cửa trở lại, sẽ có những doanh nghiệp thuê lao động thất nghiệp", Michael R. Strain - nhà kinh tế tại American Enterprise Institute cho biết.

Trong ngắn hạn, những người ủng hộ chương trình đang giành phần thắng. Khi Quốc hội thông qua gói cứu trợ 900 tỷ USD vào tháng 12/2020, phần lớn trong số 325 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ là dành cho phiên bản sửa đổi của PPP. Các doanh nghiệp đã bắt đầu nộp đơn xin hỗ trợ vào tháng trước.

Tuy nhiên, cuộc tranh luận về giá trị của PPP có thể sẽ định hình vòng hỗ trợ tiếp theo. Kế hoạch cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Biden bao gồm hàng tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ, nhưng không có thêm tiền cho PPP. Các trợ lý của ông đang cân nhắc xem phải làm gì với các khoản tiền đã được phân bổ.

Đề xuất của Biden bao gồm các khoản hỗ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông cũng yêu cầu Quốc hội tìm ra những cách thức mới để giúp các nhà hàng đang gặp khó khăn.

Nhiều nghị sĩ Dân chủ, cùng với một số người ủng hộ cứu trợ doanh nghiệp nhỏ trong các tổ chức tư vấn, cho rằng các nhà lập pháp nên chuyển sang một phương pháp tập trung và hiệu quả hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, cho đến khi việc tiêm chủng rộng rãi giúp mở cửa hoàn toàn nền kinh tế.

Quốc hội Mỹ tạo ra PPP vào tháng 3/2020, khi các doanh nghiệp phải đóng cửa sớm trong đại dịch. Chương trình ngăn chặn tình trạng sa thải nhân viên bằng cách cung cấp các khoản vay lãi suất thấp, hoặc có thể xóa nợ một phần, để giúp doanh nghiệp trả lương cho nhân viên ngay cả khi họ không làm việc. Nỗ lực này có khởi đầu chậm chạp. Nhưng theo thời gian, các khoản vay bắt đầu đến với nhiều doanh nghiệp hơn.

Một trong người hưởng lợi là Schuchart - công ty xây dựng tại Seattle với hơn 100 nhân viên. Ngày 7/4, sau hơn hai tuần sụt giảm doanh thu thấp và bị Wells Fargo từ chối cho vay, ban giám đốc đã định sa thải nhân viên.

Nhưng công ty bất ngờ nhận được một cuộc gọi từ Washington Trust Bank. Schuchart được chấp thuận cho một khoản vay gần 2,7 triệu USD. Thay vì thông báo sa thải, công ty nói với nhân viên rằng công việc của họ vẫn an toàn.

Tuy nhiên, những trường hợp như Schuchart và các công ty tương tự cũng không dễ phân tích rõ ràng lợi ích đã nhận được. Bởi lẽ, dù vay được hay không, họ vẫn sẽ tìm cách khác để tồn tại và nhanh chóng thuê lại công nhân khi các dự án xây dựng được nối lại.

Các nhà kinh tế đã cố gắng trả lời câu hỏi đó bằng cách sử dụng dữ liệu. Autor đã so sánh các công ty chỉ có dưới 500 nhân viên - theo điều kiện ban đầu để được tham gia chương trình - với những công ty quy mô lớn hơn. Ông lập luận, nếu khoản vay là một sự trợ giúp lớn thì các công ty nhỏ hơn lẽ ra phải giữ lại nhiều lao động hơn. Thay vào đó, hai nhóm có rất ít sự khác biệt.

Tranh cãi về hiệu quả gói 500 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ

Một mặt bằng kinh doanh tại Culver City, California rao cho thuê. Ảnh: NYT.

Nhưng một số nhà kinh tế cho rằng nghiên cứu như vậy làm giảm tác động của chương trình vì nó không tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ nhất, vốn ít có khả năng dự trữ tiền mặt lớn hoặc các nguồn tài chính khác. Robert Bartlett - nhà nghiên cứu tại California cho biết các nhà kinh tế học như ông Autor có thể đúng khi cho rằng gói 500 tỷ USD cứu được ít việc làm hơn kỳ vọng. "Nhưng đối với những doanh nghiệp nhỏ, tôi nghĩ rằng nó đã giúp họ có đường thoát thân", ông nói.

Daniel G. Guerra Jr thành lập AltusLearn, chuyên cung cấp các khóa đào tạo cho nhân viên y tế vào năm 2013. Đến năm ngoái, công ty có sáu nhân viên và dự kiến tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, đại dịch nổ ra khiến các trung tâm y tế gần như tạm dừng tất cả dịch vụ chăm sóc không cấp cứu và hủy đào tạo.

Khi doanh thu cạn kiệt, tiền mặt của AltusLearn không đủ duy trì hoạt động một tháng. Không giống các công ty lớn, họ có rất ít chi phí có thể cắt giảm. Ngay cả việc sa thải cũng không thể cứu vãn được. "Nếu không có Chương trình bảo vệ tiền lương vào tháng 4, chúng tôi có thể đã ngừng kinh doanh", Guerra nói.

Các doanh nghiệp nhỏ như của Daniel - tức sử dụng ít hơn 10 người - chỉ đóng góp 10% việc làm ở Mỹ, nhưng chiếm 77% tổng số doanh nghiệp. Glenn Hubbard, một nhà kinh tế học của Đại học Columbia, người từng là cố vấn hàng đầu của Tổng thống George W. Bush, nói rằng sẽ là sai lầm nếu để những doanh nghiệp đó thất bại, ngay cả khi tác động của họ là nhỏ.

"Không thể nhìn vào chi phí cứu mỗi công việc được", ông nói, "Đó không phải là mục tiêu. Mục tiêu là bảo vệ các doanh nghiệp".

NYT cho rằng bất chấp tên gọi là Chương trình bảo vệ tiền lương, PPP ít chú trọng hơn vào cứu việc làm, mà tập trung ngăn thất bại kinh doanh. Ban đầu, người vay phải dùng ít nhất 75% số tiền để trả lương nếu muốn được xóa nợ, Nhưng quốc hội Mỹ sau đó nới tỷ lệ này xuống 60% và kéo dài thời gian cho phép doanh nghiệp sử dụng số tiền đó.

Khi hồi sinh chương trình vào tháng 12, quốc hội ra điều kiện chỉ các doanh nghiệp có dưới 300 nhân viên mới được nộp đơn xin hỗ trợ đợt 2. Chương trình được xác định là dành cho các doanh nghiệp rất nhỏ và ở các vùng có thu nhập thấp, trung bình. Tuy nhiên, nó vẫn hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại trong đại dịch, nhưng không nhất thiết phải có nguy cơ sa thải hoặc phá sản.

Phiên An (theo NYT)Trở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Theo: Nguồn vnexpress.net