Ngày 28/10/2024 11:00

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn: Tháo gỡ điểm nghẽn tiếp cận đất đai

Hướng đến nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, các cơ chế, chính sách phải đồng bộ nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải hướng tới mục tiêu Netzero, hay vấn đề về quy hoạch sản xuất. Trong đó, những điểm nghẽn về đất đai, vốn cần sớm được tháo gỡ.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn: Tháo gỡ điểm nghẽn tiếp cận đất đai

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 18ha, năng suất sản lượng 400 tấn tôm/năm của anh Nguyễn Minh Nhủ tại Bến Tre. Ảnh: Nguyễn Thơ.

Khó tiếp cận vốn, thiếu quỹ đất

Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã (HTX); tối đa 2 tỷ đồng đối với HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; tối đa 3 tỷ đồng đối với liên hiệp HTX nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, theo phản ánh từ các địa phương, để các HTX tiếp cận với nguồn vốn vay trên không dễ. Thậm chí ở nhiều địa phương vẫn không có HTX nào tiếp cận được nguồn vốn này.

Nêu nguyên nhân, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của nông dân gặp nhiều khó khăn do yêu cầu tài sản thế chấp; thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp; nhiều quỹ tín dụng ưu đãi còn thiếu chức năng khuyến khích doanh nghiệp, HTX khi đầu tư vào sản xuất sạch...

Cùng với vấn đề về vốn, đất đai cũng là trở ngại đối với các HTX trong quá trình phát triển. Là một trong những HTX tham gia làm sản phẩm chế biến thực phẩm, ông Nguyễn Ngọc Hải - Giám đốc HTX Bình Minh (tỉnh Bắc Giang) cho biết, doanh thu của HTX năm 2024 ước tính khoảng 50-60 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nếu đẩy mạnh khâu chế biến chắc chắn doanh thu sẽ tăng gấp đôi. Thế nhưng hiện HTX gặp vướng khi đất chăn nuôi thì có nhưng đất cho chế biến còn rất khó khăn. “Quy mô các HTX chỉ cần 500 - 1.000m2 nhưng cũng không có đất để làm. Nếu như hiện nay, HTX xây dựng khu chế biến trong khu đất thổ cư sẽ không thể vay vốn chăn nuôi và chế biến. Một trong những vấn đề được các HTX quan tâm hiện nay đó là tiếp cận đất đai và quy hoạch sản xuất kinh doanh. Vì vậy, vấn đề quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề cần tính toán đến HTX, nông dân. Hỗ trợ hạ tầng cần đúng và trúng thì nông dân, HTX mới có nền tảng phát triển, mới tiếp cận được chính sách hỗ trợ” - ông Hải kiến nghị.

Cần sớm tháo gỡ vướng mắc về đất đai

Tại Diễn đàn nông dân quốc gia mới đây, nhiều ý kiến từ HTX, nông dân cũng chỉ ra hàng loạt những khó khăn, thách thức do vấn đề về vốn và đất đai. Bà Nguyễn Thị Đoàn, đại diện HTX sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản Vương Đoàn (Quảng Bình) cho biết, HTX chuyên về nuôi cá lóc, tôm thẻ chân trắng nhưng giá bán ra rất thấp và thị trường thường không ổn định. Nhưng nếu chế biến sản phẩm thì giá bán cao hơn.

Tuy nhiên, muốn chế biến thì phải có đất để mở cơ sở chế biến. “HTX đã có 3 sản phẩm OCOP, nhưng không có đất để mở cơ sở chế biến. Chúng tôi đã lập đề án và kiến nghị lên cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có hồi đáp. Đây là một vấn đề vô cùng nan giải không chỉ của HTX Vương Đoàn mà là tình trạng chung của nhiều HTX hiện nay” - bà Đoàn cho biết.

Trước hàng loạt khó khăn về đất đai của các HTX, nông dân, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, Luật Đất đai 2024 đã đưa vào thuật ngữ đất đa mục đích. Có nghĩa là nếu phát triển sản xuất trên đất nông nghiệp nhưng muốn chuyển đổi sang nuôi thủy sản, chăn nuôi đều được. “Thuật ngữ đất đa mục đích sẽ cởi trói được vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình chuyển đổi đất đai trong nông nghiệp. Đây sẽ là yếu tố thuận lợi để các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp chuyển hướng sản xuất đồng thời là yếu tố để chúng ta hình thành chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, do Luật Đất đai có nhiều điểm mới nên hiện nay nhiều địa phương còn lúng túng dẫn đến những mong muốn của nhiều HTX chưa được giải quyết thỏa đáng. Do đó, chính quyền địa phương cùng Nhà nước, bộ ngành cần tháo gỡ, thể chế hóa đưa Luật Đất đai 2024, Luật HTX 2023 vào đời sống để người dân, HTX nắm bắt thuận lợi hơn trong thực tiễn, từ đó thu hút doanh nghiệp vào liên kết xây dựng chuỗi nông nghiệp tuần hoàn và bền vững.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, nếu khó khăn trong tiếp cận đất, nông dân, HTX cần xem xét làm sao trên cùng diện tích đó nhưng giá trị gia tăng lên. Đồng thời, nghiên cứu ra những sản phẩm mới, thực hiện chế biến bằng cách chia nhỏ nông sản, thủy sản bằng áp dụng công nghệ. Khi đó, diện tích có thể chưa tăng gấp đôi thì giá trị vẫn có thể tăng gấp đôi và gấp ba và thương hiệu của nông sản còn được phát triển.

Để gỡ khó về vốn cho HTX, đại diện Bộ NNPTNT cho rằng, cần đẩy mạnh hỗ trợ HTX liên kết xây dựng, khai thác thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX liên kết tham gia vào chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; hỗ trợ xây dựng trang web; hỗ trợ xây dựng cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm... Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Để giải quyết trở ngại HTX thiếu tài sản đảm bảo, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với HTX (mô hình cho vay liên kết theo hợp đồng 3 bên giữa: Ngân hàng - doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết thu mua nông sản - HTX, nông dân).

Theo: Nguồn daidoanket.vn