Ngày 13/05/2022 19:14

Vén hồ sơ ngân hàng yếu kém mà Vietcombank có thể sắp nhận chuyển giao

- CBBank là ngân hàng đầu tiên bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng. Nhà băng này sau đó nhiều lần được rao bán lại cho khối ngoại nhưng không thành công.

 

Tại đại hội thường niên năm 2022, Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng sẽ tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc. Cái tên được đồn đoán là CBBank.

Lãnh đạo Vietcombank tính toán thời gian đưa tổ chức tín dụng yếu kém về tình trạng hoạt động bình thường sẽ không quá 8-10 năm. Sau đó, nhà băng có thể nhận sáp nhập, hoặc tiếp tục duy trì tổ chức tín dụng được chuyển giao bắt buộc như một ngân hàng con, hoặc bán, chuyển nhượng tổ chức tín dụng cho nhà đầu tư mới; tạo cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông.

CBBank là ngân hàng được nhắc đến nhiều với đại án Phạm Công Danh và sau đó bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng.

Ngân hàng đầu tiên bị mua lại với giá 0 đồng

Ngân hàng Xây dựng (VNCB, nay đổi là CBBank) tiền thân là Ngân hàng Đại Tín (TrustBank). Năm 2012, TrustBank lỗ lũy kế 8.765 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 5.711 tỷ đồng và lâm vào tình trạng nợ xấu cao, có nguy cơ đổ vỡ toàn hệ thống. Ngân hàng bị liệt vào danh sách 9 ngân hàng yếu kém và không được NHNN cho phép tự tái cơ cấu.

Giữa năm 2012, Thống đốc NHNN khi đó là ông Nguyễn Văn Bình đã chấp thuận việc chuyển nhượng 85% cổ phần TrustBank cho nhóm cổ đông mới là Phạm Công Danh và ông Danh sau đó lên làm Chủ tịch HĐQT. Lúc này, nhà băng phải hoạt động dưới sự giám sát của NHNN.

Tuy nhiên, chỉ trong 2 năm (từ năm 2012 đến 2014) tổng số tiền mà ông Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB khoảng 9.000 tỷ đồng. Báo cáo kiểm toán độc lập tính đến ngày 30/11/2014 cho thấy, số lỗ lũy kế của TrustBank lên tới 27.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thì âm hơn 24.000 tỷ đồng.

Vén hồ sơ ngân hàng yếu kém mà Vietcombank có thể sắp nhận chuyển giao

Vietcombank được cho là sắp nhận chuyển giao CBBank (Ảnh: CBBank).

Đến đầu năm 2015, VNCB bị NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ cổ phần với giá 0 đồng, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng TNHH một thành viên.

Theo đại diện của NHNN, thời điểm đó không có nhà đầu tư nào mua lại ngân hàng và theo định giá của đơn vị kiểm toán độc lập EY, VNCB có giá trị thực âm hơn 80.000 đồng/cổ phiếu. Trước khi bị mua lại, VNCB có tổng cộng 551 cổ đông.

Cũng chính Vietcombank sau đó được NHNN giao hỗ trợ cho CBBank, với ông Nguyễn Văn Tuân (khi đó là Phó tổng giám đốc Vietcombank) làm Chủ tịch HĐTV CBBank. Kết quả cuối năm 2017, so với thời điểm NHNN mua lại, số dư huy động vốn hiện tăng hơn 5.000 tỷ đồng; vốn tín dụng đạt gần 3.000 tỷ đồng; thu hồi nợ xấu hơn 5.000 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2018, ngân hàng này đạt huy động vốn thị trường gần 29.000 tỷ đồng, tăng trên 3.000 tỷ so với cùng kỳ. Theo các bản án đã có hiệu lực thi hành, CBBank cũng có quyền thu hồi nợ gần 40.000 tỷ đồng với các nhóm nợ lớn đã có phán quyết.

Rao bán nhưng không ai mua

Hồi tháng 3/2019, Tập đoàn J Trust của Nhật Bản cho biết muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu CBBank. Lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ tập đoàn sẽ không chỉ tham gia góp vốn mà sẽ hỗ trợ CBBank về mặt công nghệ, nghiệp vụ tài chính.

Tập đoàn J Trust thậm chí mong muốn được Chính phủ, NHNN tạo điều kiện thuận lợi trong đàm phán mua vốn CBBank, tuy nhiên, sự việc sau đó không thấy kết quả.

Đến tháng 6/2019, trong chuyến tiếp lãnh đạo các ngân hàng, công ty tài chính, lãnh đạo tập đoàn Hyundai và Samsung Việt Nam tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, lãnh đạo Chính phủ cho hay Chính phủ đang tập trung cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, do đó tới hết năm 2020, Chính phủ Việt Nam không cấp phép thành lập các ngân hàng có vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, các ngân hàng của Hàn Quốc có thể xem xét mua lại các ngân hàng yếu kém đang được cơ cấu lại như OceanBank, GPBank hoặc CBBank hoặc mua lại một số công ty tài chính của Việt Nam.

Vén hồ sơ ngân hàng yếu kém mà Vietcombank có thể sắp nhận chuyển giao

Tập đoàn Nhật Bản từng muốn mua lại CBBank (Ảnh: Mạnh Quân).

Sau đó, tại báo cáo gửi Quốc hội kỳ họp lần thứ 10, khóa XIV (cuối năm 2020), Kiểm toán Nhà nước cho biết việc tái cơ cấu, bán lại 3 ngân hàng yếu kém cho khối ngoại là giải pháp khả thi, và NHNN đã nhiều lần trình phương án để vực dậy các nhà băng này, nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

Kiểm toán Nhà nước thông tin vẫn chưa có phương án cơ cấu hợp lý, trong khi tình hình tài chính của cả 3 nhà băng ngày càng khó khăn.

Đến báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022" mới đây, Chính phủ tiết lộ đã có phương án xử lý đối với CBBank. Cùng thời điểm, Vietcombank cho biết ngân hàng sẽ tham gia tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc.

Trong khi đó, với trường hợp của Ngân hàng TMCP Đông Á, Chính phủ đang tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.

Tin liên quan

Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém

Theo: dantri.com.vn