Ngày 20/06/2022 08:23

Dấu ấn doanh nhân của ông Lê Hùng Dũng

Không phải dân tài chính, ông Lê Hùng Dũng vẫn thành danh với nghiệp ngân hàng, vàng trước khi nổi tiếng với vai trò người tạo nên thập niên thay đổi bóng đá Việt Nam.

Gần chục năm trước khi người hâm mộ thể thao trong nước biết tới một doanh nhân đầu tiên trong lịch sử giữ chức Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam - VFF, giới tài chính ngân hàng, vàng đã nhắc đến ông với sự kiêng nể nhất định.

Trò chuyện với VnExpress sáng nay, sau khi vừa viếng ông Dũng xong, ông Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - người từng làm Tổng giám đốc Eximbank giai đoạn 2008-2013, trong đó có hơn 3 năm làm chung với ông Dũng, nhận xét: "Đó là một con người quyết liệt, mạnh mẽ và rất hào sản. Vì vậy, anh ấy luôn tạo được động lực cho anh em làm việc", ông Phước nói.

Ông Phước cho biết, ông Dũng không phải dân tài chính nhưng là người từng trải với nhiều thử thách của cuộc đời nên ông có cách sử dụng con người rất hợp lý. Nhờ đó, dưới thời ông Dũng, tập thể lãnh đạo Eximbank rất đoàn kết, cùng lèo lái ngân hàng đạt những kết quả tốt.

Với mái đầu bạc trắng, trông ông Dũng lúc nào cũng có vẻ ngoài già hơn tuổi. Sinh năm 1954 trong một gia đình cách mạng ở An Giang, cậu bé Lê Hùng Dũng khi mới 7-8 tuổi đã phải xa cha (cha ông đi tập kết ra Bắc theo Hiệp định đình chiến Genève 1954). Phải 21 năm sau, vào tháng 5/1975, khi đất nước thống nhất, ông mới gặp lại cha mình. Đó cũng là thời điểm ông Dũng đang trong quân ngũ.

Dấu ấn doanh nhân của ông Lê Hùng Dũng

Ông Lê Hùng Dũng tại một phiên họp đại hội đồng cổ đông Eximbank năm 2012. Ảnh: Lệ Chi

Sau đó, ông theo học Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ Praha. Sự nghiệp của ông cũng trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Từ 1986-2003, ông làm Phó giám đốc, rồi giám đốc và Chủ tịch Trung tâm Du lịch Thanh niên Việt Nam. Thời gian này, ông không mấy tiếng tăm.

Năm 2003, khi bước vào tuổi 49, ông Lê Hùng Dũng rẽ sang bước ngoặc mới với sự bổ nhiệm làm Chủ tịch Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC. Tại đây, những dấu ấn cá nhân của ông mới được thể hiện rõ nét.

SJC vốn là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP HCM được thành lập năm 1988, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó sản xuất, kinh doanh vàng và trang sức là chính. Mọi hoạt động của doanh nghiệp lúc bấy giờ khá yên ắng.

Khi ông Dũng về nắm quyền, trong 11 năm ngồi trên ghế lãnh đạo SJC, ông góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động doanh nghiệp này, ngoài kinh doanh vàng còn tham gia đầu tư tài chính như mua cổ phần của một số doanh nghiệp, ngân hàng... và mang lại những hiệu quả nhất định.

Riêng mảng kinh doanh vàng, năm 2011, doanh nghiệp này đạt doanh số kỷ lục 5 tỷ USD (khoảng 110.000 tỷ đồng), tăng 50 lần so với 10 năm trước đó.

Trước thời điểm Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng có hiệu lực (tháng 4/2012), SJC có thị phần vàng miếng lớn nhất cả nước (chiếm hơn 90%). Thời điểm giá vàng lên cơn sốt với mức 48-49 triệu đồng một lượng, Công ty SJC có thời điểm trong một ngày bán hơn 26.000 lượng.

Trong ngày bàn giao toàn bộ thương quyền SJC cho Ngân hàng Nhà nước và nhận về mình địa vị của kẻ "gia công", ông Lê Hùng Dũng trong vài trò Chủ tịch Hội đồng Thành viên SJC lúc bấy giờ dù vui vẻ nhưng cũng có đôi chút tâm tư.

Lúc đó ông nói vui, nếu SJC là doanh nghiệp tư nhân thì ông sẽ "đấu" đến cùng, để đòi Ngân hàng Nhà nước phải trả tiền thương quyền. Bởi, đang làm ăn bình thường, tự chủ mọi thứ, giờ từ địa vị người chủ trở thành người đi gia công." Hơn nữa, đứa con ruột của mình, nay giao cho người khác, cũng buồn", ông nói và cho rằng vì cũng là nhà nước với nhau, và cùng vì lợi ích quốc gia, nên công ty ông phải chấp nhận.

Kể từ sau cột mốc này, cùng với sự ra đi của ông Dũng để nghỉ hưu năm 2014, doanh số mua bán vàng miếng SJC cũng giảm sút mạnh so với trước đây. Công ty hiện chỉ tập trung chủ yếu vào kinh doanh vàng trang sức.

Theo báo cáo gần nhất, năm 2021, công ty này ghi nhận doanh thu gần 17.700 tỷ đồng, giảm gần 25% so với cùng kỳ 2020 và xuống mức thấp nhất kể từ 2014. Kết quả này kém xa chỉ tiêu doanh số 23.494 tỷ đồng do UBND TP HCM, cơ quan chủ quản, giao cho SJC.

Dấu ấn doanh nhân của ông Lê Hùng Dũng

Ông Lê Hùng Dũng tại Đại hội cổ đông Eximbank năm 2014. Ảnh: Lệ Chi

Sau khi rời Công ty SJC, ông Dũng cho biết có thời gian tập trung nhiều hơn cho Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - nơi ông đã đảm nhiệm chức chủ tịch từ năm 2010. Tại đây, ông được biết đến là người đàn ông có quyền lực nhất dù không nắm một cổ phiếu nào của nhà băng này (ông là đại diện cho hơn 25,6 triệu cổ phiếu vốn góp của Công ty Vàng bạc đá quý SJC).

Trong những lần trao đổi với báo chí, ông từng nói rằng, kinh nghiệm kinh doanh vàng giúp ông đưa ra nhiều quyết định đáng giá hàng nghìn tỷ đồng chỉ trong tích tắc. Chẳng hạn khi nắm quyền tại Eximbank, lúc mà nhiều ngân hàng vẫn đổ hàng nghìn tỷ đồng tín dụng vào các dự án thép, thì với kinh nghiệm "lướt vàng", ông đã thấy trước rủi ro nên chỉ đạo siết lại tín dụng. Thời gian sau đó, thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn qua, doanh nghiệp thép nội địa gặp khó trong việc cạnh tranh, hàng tồn kho chất đống, nhiều ngân hàng mất vốn, nhưng không có tên Eximbank.

Khi ông tiếp quản "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT Eximbank, tổng tài sản của ngân hàng này mới đạt 63.000 tỷ đồng. Con số này đã tăng lên 183.000 tỷ đồng cuối năm 2011, gấp ba lần sau gần một năm rưỡi và luôn nằm trong top 5 ngân hàng cổ phần tốt nhất. Ông Dũng ít khi nhận công về bản thân, thay vào đó, những con số cho sự vượt lên của nhà băng này được ông liên tục khẳng định là "công sức của cả một tập thể".

Không chỉ có tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, ông còn là con người rất hào sảng khiến những người xung quanh cảm thấy gần gũi. "Bất cứ nơi đâu anh ấy xuất hiện đều có sự rôm rả. Giọng anh ấy lúc nào cũng sang sảng, thoải mái", ông Phước nhớ lại.

Ông Dũng còn là con người rất trách nhiệm. Trong năm 2013, khi hoạt động ngân hàng gặp nhiều khó khăn, ông Dũng đưa ra quyết định giảm lương lãnh đạo (nhân viên giữ nguyên), trong đó bản thân vị chủ tịch cũng tự giảm lương của mình 50% để làm gương....

Tuy nhiên, quá trình giữ cương vị đứng đầu Eximbank của ông cũng có những giai đoạn sóng gió. Ở hai năm cuối nhiệm kỳ, kết quả kinh doanh của Eximbank lao dốc.

Từ mức lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2010-2012, lãi ròng của Eximbank năm 2013 thu hẹp chỉ còn gần 700 tỷ, và giảm đột ngột còn chưa tới 70 tỷ đồng vào năm 2014.

Lý giải về kết quả lợi nhuận khi đó, Hội đồng Quản trị Eximbank cho biết, bên cạnh khó khăn khách quan và bối cảnh chung của ngành, cũng có yếu tố chủ quan tại Eximbank là những rủi ro đạo đức từ một số lãnh đạo chi nhánh chạy theo thành tích lợi nhuận ngắn hạn bằng con đường phát triển nóng tín dụng, thẩm định kê khống trị giá tài sản... Hệ thống Eximbank, vì thế, phải gánh nặng việc xử lý nợ xấu, nợ quá hạn.

"Làm sạch từ trong ra ngoài" là cách nói một số cán bộ Eximbank khi giải thích ngoài lề về kết quả lợi nhuận sụt giảm mạnh và đột ngột khi đó. Tức là ngân hàng đã dồn một bước trích lập dự phòng lớn, tập trung lợi nhuận cho yêu cầu này để chủ động kiểm soát rủi ro từ nợ xấu.

Hết nhiệm kỳ đầu tiên giữ "ghế nóng", ông Dũng tái cử chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank. Nhưng chỉ một năm sau đó, năm 2015, ông quyết định từ nhiệm. Khi được hỏi về lý do, ông cho biết thực tế "vì thấy nhiều anh em trẻ có năng lực hơn ở Eximbank có thể tiếp tục phát triển, việc nghỉ cũng bình thường".

Trước khi lùi vào hậu trường để chữa bệnh rồi qua đời sáng 17/6, ông Lê Hùng Dũng cũng đã kinh qua giai đoạn biến động nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam.

Ông cho biết tình yêu bóng đá thấm vào ông từ thủa thiếu thời. Và dù ở vị trí nào, ông cũng nỗ lực kêu gọi các nguồn tài trợ giúp các giải đấu trong nước có nguồn tài chính ổn định để đội tuyển quốc gia được chăm lo chu đáo.

Suốt ba nhiệm kỳ làm lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam - VFF từ 2005 - 2016 (hai nhiệm kỳ làm phó chủ tịch và một nhiệm kỳ làm chủ tịch) càng khắc hoạ rõ thêm chân dung của ông. Đó là con người của hành động và những tham vọng trong công tác cải tổ bóng đá Việt Nam.

Trong quá trình điều hành liên đoàn, ông chịu nhiều ý kiến trái chiều và không phải mọi kế hoạch táo bạo của ông đều thành công, nhưng đa số đều thừa nhận ông vừa là nhân chứng vừa là "người được chọn" để tạo nên một thập niên thay đổi hoàn toàn nền bóng đá Việt Nam. Và thời gian qua đã phần nào cho thấy những đáp án về giai đoạn làm bóng đá của ông Lê Hùng Dũng.

Nổi tiếng là một tay đầu tư tài chính cỡ bự, một ông chủ tịch VFF với những phát ngôn mạnh mẽ, ông Dũng lại là mẫu đàn ông vị gia đình. Cuối tuần, ông thường dành thời gian cho người thân. Thỉnh thoảng, người ta vẫn thấy ông choàng vai rất thân mật với con gái trong những buổi ăn tối ở nhà hàng, hay những cuộc trò chuyện rôm rả tiếng cười với cậu con trai út tại nơi công cộng...

Ngoài ra, ông cũng có đam mê sưu tập xe cổ. Ông bảo bản thân bị hấp dẫn từ những chi tiết độc đáo của chúng.

Thanh Lê - Minh Sơn

Theo: vnexpress.net