Trước nghi ngại có sự bắt tay của các công ty thép nhằm tăng giá mặt hàng này một cách phi mã, Bộ Công Thương cho rằng điều này không có cơ sở
Trước nghi ngại có sự bắt tay của các công ty thép nhằm tăng giá mặt hàng này một cách phi mã, Bộ Công Thương cho rằng điều này "không có cơ sở".
Theo phản ánh, tất cả thương hiệu thép đều đồng loạt tăng giá từ 30-40% so với quý cuối năm trước. Mức tăng giá này được nhận định là rất cao, gây khó khăn cho nhiều ngành, trong đó có lĩnh vực xây dựng.
Một số ý kiến đặt vấn đề về "sự bắt tay" của các công ty thép nhằm đẩy giá mặt hàng này tăng sốc. Liên quan đến phản ánh này, đại diện phía Bộ Công Thương vừa chính thức lên tiếng.
Bộ Công Thương cho biết năng lực nguồn cung thì thừa nhưng "cung ứng" ra thị trường lại vấn đề khác.
Theo Bộ Công Thương, năm 2021, dự kiến kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi và tăng trưởng khoảng trên 6%, dự kiến nhu cầu sản phẩm phôi thép sẽ tăng khoảng 6% so với năm 2020 và nhu cầu thép của Việt Nam sẽ tăng khoảng 2-3%.
Ở thị trường trong nước, trong năm 2021, nhóm chuyên gia cho rằng ngành bất động sản và xây dựng hạ tầng sẽ hồi phục khi Chính phủ triển khai các dự án đầu tư công lớn như Sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam và các đường dây truyền tải điện 500KV sau khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.
Về nguồn cung thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết trong năm 2020, một số dự án thép đã đi vào hoạt động như Dự án Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát, Dự án Nhà máy luyện thép Nghi Sơn…; do đó năng lực sản xuất của thép xây dựng (khoảng 14 triệu tấn) sẽ đảm bảo 100% cho nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu.
Còn thép cuộn cán nóng (HRC): Hiện tại công suất trong nước đạt khoảng từ 5-6 triệu tấn. Tuy nhiên theo Bộ Công Thương, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập siêu thép cuộn cán nóng đến 9,3 triệu tấn (nhập khẩu 10 triệu tấn - xuất khẩu 0,7 triệu tấn). Do vậy, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu một lượng lớn thép cuộn cán nóng để phục vụ nhu cầu sản xuất trong nước.
Qua thống kê, Bộ Công Thương cho biết năng lực nguồn cung thì thừa nhưng "cung ứng" ra thị trường lại vấn đề khác. Bởi dịch Covid-19 khiến các nhà máy đóng cửa trong khi đó vấn đề logistics làm nguồn nguyên liệu bị gián đoạn nên không thể tăng sản xuất.
Với tình hình này, Bộ Công Thương cho biết thị trường thép có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới nhưng sau này sẽ được điều chỉnh theo "quan hệ cung cầu". Do đó việc nêu vấn đề có sự bắt tay của các công ty thép, nhằm tăng giá thép lên cao theo Bộ Công Thương là "không có cơ sở".
Vậy trước tốc độ tăng phi mã như hiện nay, kiểm soát giá thép thế nào? Trả lời câu hỏi này, Bộ Công Thương đề cập đến việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
"Theo dõi và xem xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép", Bộ Công Thương cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng sẽ tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Đồng thời, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các sản phẩm thép như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu; Chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuếnhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá...
Theo: Nguồn dantri.com.vn