Ngày 05/10/2024 11:40

Tự hào về một Hà Nội anh hùng

GD&TĐ - Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) được ghi nhận được ghi nhận là mốc son lịch sử, bản hùng ca trong thời đại Hồ Chí Minh...

Tự hào về một Hà Nội anh hùng

Ngày Giải phóng Thủ đô - khoảnh khắc lịch sử không quên. (Ảnh tư liệu)

Mốc son lịch sử

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Nhân dân Hà Nội và cả nước không có ước nguyện nào hơn là được sống trong không khí hòa bình để xây dựng, phát triển.

Thế nhưng thực dân Pháp dã tâm cướp nước ta một lần nữa, gây hấn ở Nam Bộ (23/9/1945) và phát động chiến tranh ra cả nước.

Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân, dân Hà Nội đã cùng với Nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.

Với cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt, Hà Nội đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.

Sau 9 năm chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt là sau thất bại trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève (20/7/1954), công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; phe đối kháng chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.

Theo Hiệp định Genève, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch. Biết trước âm mưu của kẻ địch lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người di cư vào Nam, làm cho Hà Nội trở thành trống rỗng, mọi công việc bị đình trệ, chúng ta đã chủ động có kế hoạch đề phòng, đấu tranh, đồng thời chuẩn bị lực lượng về mọi mặt để tiếp quản Thủ đô một cách trọn vẹn.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Đảng ủy tiếp quản, các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, nòng cốt là công nhân, tự vệ các nhà máy, xí nghiệp, công sở, đã đấu tranh quyết liệt với địch, bảo vệ gần như nguyên vẹn máy móc, thiết bị, hồ sơ, nguyên vật liệu; đồng thời đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư vào Nam.

Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh của ta trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc kẻ địch phải chuyển giao thành phố cho ta theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Genève.

Nhân dân Thủ đô vui mừng đón chào đoàn giải phóng quân ngày 10/10/1954.( Ảnh tư liệu)

16h ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội gồm bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn tiến vào Hà Nội.

Hai mươi vạn Nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng, với niềm vui sướng tột độ của những người đã gần 9 năm bị kìm nén dưới gót sắt của thực dân nay được giải phóng, đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về.

15h chiều cùng ngày, hàng vạn Nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính... Cả Hà Nội rạo rực niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh hùng hậu kháng chiến, vô cùng biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.

Hà Nội được giải phóng không chỉ là niềm vui mừng tột độ của người dân Thủ đô mà còn là một sự kiện lịch sử, ngày hội lớn của Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.

Nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đều họp mít tinh, liên hoan chào mừng Thủ đô giải phóng. Bạn bè quốc tế, Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cùng chia vui, đưa tin và giới thiệu về chiến thắng vang dội.

Trải qua 70 năm phát triển, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã chứng kiến và vượt qua nhiều thử thách lịch sử. Từ những năm đầu gian khổ trong chiến tranh đến giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Hà Nội luôn giữ vai trò tiên phong trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, luôn biết tranh thủ thời cơ, vận hội, vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới.

Với những thành tựu nổi bật, Hà Nội được ca ngợi, vinh danh là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thành phố vì hòa bình, một đô thị văn minh, hiện đại, xứng tầm là Thủ đô của một đất nước năng động, đổi mới và phát triển.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà, chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu khi xưa vẫn nhớ như in những ký ức ngày tham gia sự kiện lịch sử. (Ảnh: Bảo Hân)

Ký ức chứng nhân lịch sử

Trong lễ mít tinh trọng thể diễn ra ngày 10/10/1954, hàng chục vạn Nhân dân Hà Nội đã được nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”.

Ở tuổi 98, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tiến Hà, chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu khi xưa vẫn nhớ như in những ký ức ngày tham gia giải phóng Thủ đô.

Mỗi dịp tháng Mười lịch sử, ông Hà lại bật nhạc khúc bất hủ “Tiến về Hà Nội” để hào khí chiến thắng vang dội trong căn phòng nhỏ của mình. Ký ức những ngày cùng đồng đội về tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước cũng theo dòng nhạc dội về.

Ông Hà nhớ lại, cánh quân của ông nhận lệnh di chuyển về đóng quân tại Thanh Trì vài ngày trước. Nhờ khả năng thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, ông được giao phụ trách Trại hàng binh Âu - Phi, với nhiệm vụ chính là tuyên truyền chính sách của Việt Nam cho các tù binh và hàng binh.

Càng gần đến ngày 10/10, sự háo hức trong lòng ông và đồng đội càng tăng lên. Suốt đêm trước đó, họ không tài nào chợp mắt được vì mong đợi giây phút trọng đại ấy.

Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương. (Ảnh: Hoa Lo Prison Relic)

Ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố cùng các lực lượng tiến vào Hà Nội từ 5 cửa ô. Trước mắt ông Hà, những lá cờ và những bông hoa rực rỡ tung bay, chào đón đoàn quân chiến thắng. Cả Hà Nội tràn ngập niềm vui giải phóng, cùng với niềm tự hào sâu sắc và vô hạn.

“Đồng bào chạy ra ôm những người chiến sĩ giải phóng dù không phải là người nhà mình. Có những người mừng vì được gặp người nhà, nhưng có người mừng mừng tủi tủi bởi người ruột thịt không còn nữa, đã hi sinh vì cuộc kháng chiến. Nhưng hòa vào niềm vui chung vẫn là niềm phấn khởi, sung sướng bội phần. Hà Nội như ngày hội của toàn dân”, ông Hà nhớ lại.

Ngày Giải phóng Thủ đô gắn bó tình cảm giữa người cán bộ quân đội về giải phóng với Nhân dân, bởi vì nhiều người có gia đình đang sinh sống trong Hà Nội thời kỳ tạm chiếm, 9 năm kháng chiến không được gặp nhau cho nên ngày này là ngày đoàn tụ của gia đình

Ông Trần Xuân Bách (phố Hàng Bông, Hà Nội) khi chứng kiến sự kiện trọng đại ấy 18 tuổi. Khi người dân Hà Nội ùa ra đón bộ đội về, ai tay cũng cầm cờ, cầm hoa, gặp gỡ nhau vui mừng coi đây là “ngày đổi đời” cho người dân Hà Nội vùng tạm chiếm sang một giai đoạn mới độc lập, tự do.

“Trước ngày bộ đội vào tiếp quản Thủ đô, chúng tôi làm nhiệm vụ huy động thanh niên, học sinh và đồng bào tập trung làm cờ, làm hoa liên tục mấy ngày để phát cho mọi người. Nhân dân ở các khu phố thì khẩn trương làm cổng chào.

Và đến ngày 10/10, chúng tôi tập hợp lực lượng học sinh, sinh viên đứng dọc từ bờ Hồ trải ra Hàng Đào, Hàng Ngang, mọi người khấp khởi chờ khi đoàn quân chiến thắng bắt đầu xuất hiện ở đầu phố là tiếng reo vang, reo hò hân hoan vang dậy. Rất nhiều người mang hoa ra tặng đoàn quân, chúng tôi còn đứng mãi cho đến khi đoàn quân đi không còn trông thấy nữa”, ông Trần Xuân Bách nhớ lại.

Bà Đỗ Thị Hải, vợ của ông Lê Văn Ba (tên thật là Trần Khắc Cẩn, học sinh kháng chiến Hà Nội bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò năm 1952 - 1953) xúc động chia sẻ: “Ngày Giải phóng Thủ đô, tôi còn ít tuổi. Hòa chung vào niềm vui, tôi chạy quanh Bờ Hồ cùng với các đoàn thể. Chúng tôi vừa chạy, vừa hát mừng ngày vui của đất nước”.

Đối với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban đại diện Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày TP Hà Nội, vào ngày Giải phóng Thủ đô, ông đang công tác tại Quảng Nam. Khi biết tin, ông rộn rã mừng vui, phấn khởi và tự hào.

“Hà Nội là Thủ đô của chúng ta, Hà Nội có được giải phóng thì mới chứng minh cho Nhân dân cuộc Cách mạng tháng Tám thành công. Nó tiêu biểu cho ước nguyện chung về cuộc sống hòa bình dài lâu của dân tộc. Ngày đấy, tất cả mọi người đều hướng về Hà Nội và chúng tôi sẵn sàng hi sinh tất cả cũng vì Hà Nội.

Mục tiêu cuộc sống của chúng tôi là giải phóng dân tộc, ngày Giải phóng Thủ đô là ngày dựng lại cuộc sống, làm lại cuộc đời. Toàn thể bạn bè xung quanh và cả gia đình vô cùng phấn khởi...”, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương xúc động hồi nhớ.

Tin liên quan Nhà máy Đèn Bờ Hồ rực rỡ ánh đèn trong Ngày Giải phóng Thủ đô 70 năm trước Hà Nội rực rỡ cờ hoa chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô

Theo: Nguồn giaoducthoidai.vn