Ngày 14/11/2023 12:21

Tràn lan hội nhóm hư trên MXH: Làm gì để bảo vệ trẻ?

Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện nhiều hội nhóm (group) với hàng chục ngàn thành viên được lập ra, chia sẻ những thông tin tiêu cực xúi giục "cư dân mạng," trong đó có cả trẻ em.

Như Gia đình Việt Nam đã có loạt bài viết về: Tràn lan hội nhóm "khoe" đua xe, bốc đầu trên mạng xã hội “mọc như nấm” với số lượng thành viên “khủng” từ hàng chục nghìn đến vài trăm nghìn người trong mỗi nhóm, mà đối tượng tham gia chủ yếu là các em mới chỉ ở tuổi vị thành niên với khuôn mặt “non nớt”.

Tràn lan hội nhóm hư trên MXH: Làm gì để bảo vệ trẻ?

Các hội nhóm (group) thu hút hàng chục nghìn người tham gia (Ảnh chụp màn hình)

Các hội nhóm thường xuyên chia sẻ các clip đua xe, bốc đầu, nẹt pô, rú ga, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, không gắn biển kiểm soát,... gây mất an ninh trật tự trên địa bàn rồi đăng lên mạng xã hội như khoe “chiến tích” để câu like, câu view.

Thậm chí, có nhóm còn lợi dụng mạng xã hội để tụ tập, hô hào cổ vũ, lôi kéo thanh thiếu niên tham gia nhằm mục đích lợi nhuận như buôn bán, mời chào "độ" xe... Các hành vi này gây ảnh hưởng đến nhận thức, tư duy của giới trẻ và để lại hệ lụy cho xã hội, đe dọa an toàn của người tham gia giao thông.

Tràn lan hội nhóm hư trên MXH: Làm gì để bảo vệ trẻ?

Các hội nhóm lôi kéo trẻ vị thành niên, học sinh tham gia và cổ vũ đua xe (Ảnh chụp màn hình)

Trước những hội nhóm làm “hư” trẻ như đua xe, bốc đầu, thậm chí xúi giục, rủ rê, hướng dẫn các hình thức tự tử hay loạt các group dạy “bùng nợ”, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết, sau khi nhận được phản ánh của các Báo, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử đã liên hệ và yêu cầu Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ các group độc hại này.

Các group còn lại đang được đơn vị kiểm tra, xử lý - ông Lê Quang Tự Do cho biết và đề nghị các cơ quan báo chí nếu phát hiện các vi phạm trên các nền tảng ứng dụng xuyên biên giới cần thông báo về cơ quan quản lý Nhà nước. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử sẽ vào cuộc và nhanh chóng xử lý.

Làm gì để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng?

Theo số liệu thống kê, Việt Nam có khoảng 28 triệu trẻ em dưới 18 tuổi, trong đó 96,9% trẻ em sử dụng Internet.

Thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số cũng chỉ ra rằng, có 36,5% trẻ em phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực; trên 13% trẻ em bị tiếp xúc với các phim, ảnh, tài liệu khiêu dâm. Do nhận thức ở độ tuổi trẻ em chưa phân biệt được các nội dung độc hại, cùng với đó là sự thiếu kiểm soát, quan tâm của gia đình, nhà trường khiến vấn nạn này càng trở nên trầm trọng.

Internet và MXH biến trẻ em thành nhóm đối tượng dễ bị tổn thương với những rủi ro tiềm ẩn mà trẻ em phải đối diện trên không gian mạng gồm: Sự riêng tư và thông tin cá nhân của trẻ em; văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em; xâm hại tình dục trẻ em, mại dâm trẻ em và buôn bán trẻ em; bắt nạt trực tuyến; trẻ em tiếp cận những nội dung có hại qua công nghệ thông tin và truyền thông; sử dụng quá mức và nghiện như “câu like”, “câu view”, “đu trend”, nghiện game.

Tràn lan hội nhóm hư trên MXH: Làm gì để bảo vệ trẻ?

Mạng xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư duy và nhận thức của trẻ (Ảnh minh họa)

Do đó, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng không là nhiệm vụ của riêng ai mà phải có sự chung tay của toàn xã hội, trong đó, biện pháp hiệu quả nhất là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Việc này đòi hỏi các cơ quan chức năng, thầy cô, cha mẹ và những người chăm sóc trẻ trang bị cho trẻ những kiến thức căn bản khi tham gia môi trường mạng.

Để giúp con em không gặp phải rắc rối khi tham gia vào môi trường mạng, các bậc phụ huynh cần thực hiện các quy định như không sử dụng điện thoại thông minh trong phòng ngủ, đặt các thiết bị truy cập mạng trong không gian chung của gia đình (phòng khách).

Đồng thời, các bậc phụ huynh cần cài đặt thiết bị, phần mềm chống, chặn, lọc nội dung người lớn, xấu, độc, không phù hợp với trẻ em; giám sát thời gian nhưng cần tôn trọng quyền tự do cá nhân của trẻ trên không gian mạng, quan tâm, lắng nghe ý kiến của trẻ, trau dồi, cập nhật kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn con em mình kỹ năng sử dụng thiết bị, MXH an toàn, cách ứng xử trên không gian mạng an toàn, sáng tạo, lành mạnh và có trách nhiệm.

-->> Lạng lách, đánh võng quay clip khoe “chiến tích”: Việc xử lý chưa đủ sức răn đe so với sức hút của mạng xã hộiThúy Ngà

Theo: Nguồn giadinhonline.vn