Khi Covid-19 bùng phát, mạng xã hội Trung Quốc bắt đầu xuất hiện các hội nhóm ưa thích lối sống tiết kiệm, trong đó nổi bật nhất là nhóm "Tiết kiệm điên cuồng".
Nhiều thành viên của nhóm đã chia sẻ cách chi tiêu của họ.
Những người trẻ Trung Quốc mua đồ trong một siêu thị ở Thượng Hải năm 2021. Ảnh minh họa: Flickr
Thiển Thiển, 28 tuổi, quê Hồ Bắc là thành viên nổi bật của nhóm "Tiết kiệm điên cuồng" với hơn nửa triệu thành viên.
Cha mẹ ly hôn, gia đình 5 người của cô sống bằng lương hưu của bà ngoại. Từ nhỏ, Thiển Thiển đã có ý thức tiết kiệm. Học cấp 2, cô đã có khoản tiết kiệm 3.000 tệ, một con số lớn so với học sinh nông thôn khi đó. "Một lần lên phố chơi với bạn, tôi đã chi 20 tệ để mua cốc cà phê Starbucks. Tôi đã hối tiếc vì điều này suốt những năm trung học", Thiển Thiển kể.
Năm 2017, cô có người yêu và tính chuyện kết hôn. Tuy nhiên gia cảnh bạn trai cũng rất khó khăn. Việc duy nhất gia đình có thể giúp đôi trẻ là vay hộ 300.000 tệ, trả trước cho căn hộ mới mua. Điều này đồng nghĩa, Thiển Thiển phải vay thêm ngân hàng 300.000 tệ. Bởi vậy, cô không tổ chức đám cưới, chỉ đăng ký kết hôn rồi về chung sống.
Trong bài viết chia sẻ lên nhóm "Tiết kiệm điên cuồng", cô gái cho biết kế hoạch chi tiêu và tiết kiệm rất chi tiết trong 5 năm. Lương hàng tháng của cô là 6.000 tệ, của chồng là 15.000 tệ. Cô đặt ra cho hai vợ chồng một số quy định khá hà khắc như không được bước chân vào cửa hàng tiện lợi, tiệm bánh, cửa hàng đồ ăn nhẹ hay cửa hàng cà phê; phải lập trước danh sách những mặt hàng cần mua, tuyệt đối không tiêu lố dù chỉ một đồng; không nhất thiết phải ăn 3 bữa một ngày, mỗi bữa chỉ ăn trong 7 phút (kể cả tiệc buffet); không mua vé xem phim hay ca nhạc; ngày lễ, Tết, sinh nhật không tặng quà hay tổ chức tiệc tùng; 22h hàng ngày phải tắt điện đi ngủ, tiết kiệm điện...
Bằng cách này, nửa đầu năm nay, hai vợ chồng đã trả nợ được 180.000 tệ.
Ngoài Thiển Thiển, Tiểu Kiệt cũng là một thành viên nổi bật của nhóm "Tiết kiệm điên cuồng". Cô gái sinh năm 1994 chia sẻ, khi bước chân vào đại học, cô đã nhận thức, để giàu có không có cách nào khác là chăm chỉ làm việc và tiết kiệm.
Tiểu Kiệt làm việc trong ngân hàng, mặc đồng phục, ăn trưa miễn phí tại cơ quan.. nên tiết kiệm được khá nhiều. Một nửa thu nhập mỗi tháng cô để tiết kiệm, nên mỗi năm dành ra 50.000 tệ. Hiện cô gái này đã mua được nhà ở Thành Đô, dù vẫn phải vay ngân hàng.
Nói về cách tiết kiệm tiền của mình, Tiểu Kiệt chia sẻ, bản thân không dùng đồ hiệu, chỉ mua quần áo nội địa hợp túi tiền, dù nhiều lần bị bạn bè chê bai là quê mùa. Cô cũng không đổi điện thoại theo trào lưu. Tiểu Kiệt thường xuyên nấu ăn tại nhà, không la cà hàng quán. Đặc biệt, cô thường dùng các loại thực phẩm sắp hết hạn bởi chúng có giá chỉ bằng 1/3 giá gốc.
Người dân Bắc Kinh mua hàng sắp hết hạn tại một siêu thị. Ảnh: EPA
Tiểu Kiệt rất hâm mộ một cô gái tên Vương Thần Ái ở Nam Kinh, sau 9 năm tốt nghiệp đại học đã mua được hai căn nhà cũng nhờ tiết kiệm. Tiểu Kiệt nói, cô gái đó hơn cô vài tuổi nhưng đã làm được những việc "không phải ai cũng làm được".
Vương Thần Ái tiết kiệm được 1.000 tệ đầu tiên vào năm lớp 6. Đến đại học cô tiết kiệm được 2.000 tệ mỗi tháng từ việc làm bán thời gian. Trước khi tốt nghiệp đại học, Vương đã mua một căn hộ từ tiết kiệm. Cô gái này hiện đã lập gia đình, hai vợ chồng vẫn có thể tiết kiệm 90% tiền lương của họ mỗi tháng.
Trong một chương trình truyền hình cách đây không lâu, khi người dẫn chương trình hỏi: "Bạn tiết kiệm cũng đã khá tiền, nếu giờ không tận hưởng thì chờ đến bao giờ?", cô Vương thẳng thắn trả lời: "Một số người tiêu tiền để có được hạnh phúc nhưng tôi thấy hạnh phúc khi không chi tiêu".
Theo khảo sát năm 2020 của Fuda International, 51% thế hệ trẻ Trung Quốc (18-34 tuổi) bắt đầu tiết kiệm. Viện nghiên cứu kinh tế mới Trung Quốc phối hợp với Alipay công bố khảo sát năm 2021 cũng cho thấy, thế hệ sinh sau năm 1990 thích tiết kiệm hơn. Số tiền tiết kiệm của nhóm này năm 2020 tăng gần 40% so với năm 2019.
Vy Trang (Theo sohu)
Theo: vnexpress.net