Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nhóm nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được tiêm vaccine trước, nguy cơ thấp tiêm sau và không vì có vaccine mà chủ quan chống dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nhóm nguy cơ lây nhiễm cao sẽ được tiêm vaccine trước, nguy cơ thấp tiêm sau và không vì có vaccine mà chủ quan chống dịch.
Kết luận trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 và các tỉnh thành, sáng 24/2.
"Vaccine đã về đến sân bay nhưng tinh thần là thần tốc, quyết liệt hơn nữa. Tôi giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế dự thảo Nghị quyết để Thủ tướng ký ban hành ngay hôm nay, trong đó quy định cụ thể về đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine miễn phí", ông nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp sáng nay. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chiến lược của Việt Nam là 100 triệu dân được tiêm vaccine, nhưng không thể tiêm cùng một lúc cho tất cả người dân. Do đó một số nhóm cần được ưu tiên như: nhân viên y tế, cơ sở xét nghiệm, nhân viên lấy mẫu, lực lượng biên phòng, công an ở khu cách ly, lực lượng truy vết khoanh vùng, dập dịch, phòng chống dịch tình nguyện...
"Tinh thần là nhóm nguy cơ lây cao được tiêm trước, nguy cơ thấp tiêm sau, vùng có dịch được tiêm trước vùng không có dịch", ông Phúc nói.
Theo Thủ tướng, một trong những nguyên nhân quan trọng giúp thế giới giảm ca mắc Covid-19 là có vaccine, nhưng dù có vẫn phải phòng bệnh. "Tôi nghe ý kiến số chuyên gia rằng cần tiếp tục các biện pháp phòng bệnh, không vì có vaccine mà chủ quan. Chiến lược chống dịch của Việt Nam là "vaccine và 5K".
Lãnh đạo Chính phủ cũng đồng ý đề xuất của một số địa phương như Hà Nội và Hải Phòng về việc mua vaccine theo phương án xã hội hoá vì việc này đã được Bộ Chính trị nhất trí.
Liên quan vấn đề vaccine, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo chống dịch Quốc gia, nói rằng hiện vaccine còn hiếm vì ai cũng muốn được tiêm trước. Tuy nhiên, về lâu dài vaccine Covid-19 sẽ được tiêm chủng mở rộng như một số loại hiện nay.
Đánh giá về tình hình dịch bệnh, ông Đam cho rằng số ca nhiễm trên thế giới có giảm, nhưng các chuyên gia đều cảnh báo nguy cơ còn cao. "Một nước như Việt Nam không thể nói không có mầm bệnh trong cộng đồng, ít nhất có 5 chủng mới rồi", Phó thủ tướng nói.
Trước đó, Thủ tướng đánh giá các địa phương ghi nhận dịch đã thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả, hiện đã kiểm soát được dịch ở 11/13 tỉnh, thành. Chỉ còn 2 nơi có ca nhiễm mới là Hải Phòng và Hải Dương. Hai địa phương này đang có các biện pháp quyết liệt sớm kiểm soát dịch.
Thủ tướng cũng nhất trí việc mở lại một số dịch vụ không thiết yếu của các địa phương đã khống chế được dịch để thực hiện mục tiêu kép. "Bây giờ cuối tháng 2, phải kiểm tốt dịch bệnh để sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Không thể chỉ lo khía cạnh phòng chống dịch mà đóng cửa nền kinh tế", ông lưu ý.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công thương chủ trì cùng các bộ liên quan ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh sản phẩm trong vùng dịch để tiếp tục lưu thông hàng hoá, hỗ trợ tiêu dùng sản phẩm, không ngăn sông cấm chợ.
Bộ Y tế sáng 24/2 ghi nhận 2 ca Covid-19 ở Hải Dương, nâng tổng số ca nhiễm ở tỉnh này lên 627. Từ ngày 28/1 đến 24/2, cả nước ghi nhận 811 ca nhiễm cộng đồng, ở 13 tỉnh thành gồm Hải Dương (627), Quảng Ninh (61), TP HCM (36), Hà Nội (35), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Hải Phòng (4), Điện Biên (3), Hòa Bình, Hưng Yên và Bắc Giang mỗi nơi 2 ca, Hà Giang một ca.
Hữu CôngTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×
Theo: Nguồn vnexpress.net