'Khoảng 52,6% lao động nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có con nhỏ dưới 6 tuổi, có nhu cầu gửi trẻ nhưng chỉ có khoảng 19% gửi con ở cơ sở mầm non công lập, còn lại phải gửi ở các nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục'.
TTO- 'Khoảng 52,6% lao động nữ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có con nhỏ dưới 6 tuổi, có nhu cầu gửi trẻ nhưng chỉ có khoảng 19% gửi con ở cơ sở mầm non công lập, còn lại phải gửi ở các nhà trẻ tư nhân, nhóm trẻ, cơ sở mầm non tư thục'.
Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TỰ TRUNG
Ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu như vậy tại hội nghị tổng kết đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp - khu chế xuất" giai đoạn 2015 - 2020 (đề án 404) do UBND TP.HCM tổ chức sáng 12-11.
Theo ông Đức, công tác quản lý nhà trẻ, nhà mẫu giáo dành cho con công nhân còn nhiều bất cập… "Hầu hết các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay chưa có quy hoạch về xây dựng nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo, cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa, xã hội phục vụ người lao động. Còn nhiều nhóm trẻ chưa đạt yêu cầu về cơ sở vật chất, giáo viên, đồ chơi trang thiết bị" - ông Đức nói.
Cũng theo ông Đức, có thực trạng người nuôi giữ trẻ ở các cơ sở không phép vừa thiếu vừa chưa được đào tạo đạt chuẩn; vẫn còn tồn tại nhóm lớp không phép và hộ giữ trẻ gia đình; công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ, người làm công tác cấp dưỡng chưa kịp thời; một số hành vi ngược đãi trẻ em, tuy không phổ biến nhưng đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Nhóm trẻ ngoài công lập là con của công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM ) được chăm sóc theo đề án "Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020" - Ảnh: TỰ TRUNG
Qua đó, phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu nhiều biện pháp qua 5 năm triển khai: chấn chỉnh, nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non; nhiều cơ sở mầm non ngoài công lập được thành lập.
"Thành phố cũng chỉ đạo tăng cường quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, nhóm trẻ gia đình, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng tại địa phương theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục…
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đảm bảo an toàn cho trẻ, nhằm giúp người lao động có con dưới 36 tháng tuổi yên tâm công tác" - ông Đức nhấn mạnh.
Tính đến ngày 30-10-2019, TP.HCM có 3 khu chế xuất và 14 khu công nghiệp với 1.326 dự án đang hoạt động. Lao động nữ là hơn 176.000 người (tỉ lệ 60%). Hằng năm, TP có dân số cơ học tăng bình quân từ 45.000 - 50.000 học sinh, trong đó trẻ mầm non tăng gần 10.000.
Cuối năm học 2019 - 2020, toàn thành phố có 1.352 trường mầm non (trong đó: công lập: 467; dân lập - tư thục: 885) và 1.739 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, riêng 10 quận, huyện ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất có 1.127 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Công nhân chật vật gửi con thời COVID-19
TTO - Con cái không đi học nhưng công nhân vẫn phải đến xưởng làm nên họ phải xoay đủ cách để con được an toàn.
Theo: tuoitre.vn