Ngày 24/09/2020 14:01

Nợ ngân hàng, hàng loạt khách sạn Đà Nẵng rao bán cắt lỗ

Hai đợt dịch Covid-19 liên tiếp khiến nhiều khách sạn ở Đà Nẵng không cầm cự nổi chi phí vận hành, lãi vay nên phải rao bán cắt lỗ.

Hai đợt dịch Covid-19 liên tiếp khiến nhiều khách sạn ở Đà Nẵng không cầm cự nổi chi phí vận hành, lãi vay nên phải rao bán cắt lỗ.

Khách sạn rao bán nhan nhản

Theo khảo sát của PV trên một trang quảng cáo nhà đất, chỉ trong ngày 22/9, có đến 80 tin rao bán, chuyển nhượng khách sạn tại Đà Nẵng. Các khách sạn rao bán nằm khắp các tuyến phố du lịch vốn sầm uất, nhộn nhịp như Võ Nguyên Giáp, Bạch Đằng, Hồ Nghinh, Hồ Xuân Hương,...

Hầu hết các tin rao bán khách sạn đều có nội dung “nợ tiền ngân hàng cần bán gấp khách sạn”.

Một khách sạn khác ở đường Đỗ Bí (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) rao bán 70 tỷ, được quảng cáo có diện tích gần 250m2, mặt tiền 13,5m, đường rộng, nằm ngay khu trung tâm phố tây. Khách sạn có 12 tầng, 56 phòng, có phòng spa, massage, bể bơi, cách bãi biển Mỹ Khê chỉ 100m.

Nợ ngân hàng, hàng loạt khách sạn Đà Nẵng rao bán cắt lỗ

Rao bán hàng loạt khách sạn ở Đà Nẵng

“Nợ ngân hàng nên cần bán gấp khách sạn 4 sao, giá rẻ nhất thị trường mùa Covid”, người bán quảng cáo. Ngoài những khách sạn nhỏ và vừa, các khách sạn lớn giá ba bốn trăm tỷ cũng rao bán nhan nhản trên mạng.

Chẳng hạn, khách sạn 4 sao mặt tiền Võ Nguyên Giáp bán với giá 450 tỷ. Khách sạn có diện tích 15x40m, 20 tầng, 126 phòng, có nhà hàng, hồ bơi vô cực, phòng hội nghị.

“Tất cả theo tiêu chuẩn 4 sao, tọa lạc ngay mặt tiền biển Võ Nguyên Giáp, đoạn đẹp và đắc địa nhất cung đường. Nay gia đình xuất cảnh cần bán giá rẻ”, người bán giới thiệu.

Tương tự, chủ khách sạn trên đường Võ Nguyên Giáp rao bán khách sạn 16 tầng, 120 phòng, diện tích 450m2 giá 320 tỷ. Khách sạn được quảng cáo có nhà bếp, phòng ăn, sân thượng, chỗ để xe hơi,... Theo người bán, khách sạn mới được khai thác từ năm 2018 đến nay, lượng khách ổn định, công suất phòng mùa cao điểm là 98% còn mùa thấp điểm là 75%.

Hay khách sạn mặt tiền đường Bạch Đằng (quận Hải Châu, Đà Nẵng), view sông Hàn thơ mộng, diện tích hơn 300m2 bán với giá 200 tỷ.

Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, trước tình hình khó khăn do dịch bệnh, một số cơ sở lưu trú đã thực hiện thủ tục mua bán, chuyển nhượng bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, căn hộ.

Theo thông tin sơ bộ, có khoảng 250-260 khách sạn, căn hộ, biệt thự đang rao bán (chiếm tỉ lệ 24,7% tổng nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn).

Dự kiến năm 2020, Đà Nẵng chỉ đón được 2,7 triệu lượt khách tham quan, du lịch, giảm 68,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 686.000 lượt, giảm 80,5%; khách nội địa ước đạt hơn 2,03 triệu lượt, giảm 60,6%. Tổng thu từ ngành du lịch ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, giảm 65% so với năm 2019.

Nợ ngân hàng, hàng loạt khách sạn Đà Nẵng rao bán cắt lỗ

Một khách sạn ở Đà Nẵng đang được rao bán

Đáng chú ý, ước tính thiệt hại tổng thu của cả ngành du lịch Đà Nẵng năm 2020 dự kiến khoảng 26.000 tỷ đồng. Trong đó ước tính tổng thiệt hại (trực tiếp) tại các doanh nghiệp lữ hành khoảng 659 tỷ đồng; tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.800 tỷ đồng; tại DN vận chuyển du lịch khoảng 518 tỷ đồng và các khu, điểm du lịch khoảng 827 tỷ đồng.

“Rao bán là quy luật bình thường”

Nói về tình trạng rao bán khách sạn, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết, các khách sạn rao bán chủ yếu phân khúc khách sạn từ 1-3 sao. Trong bối cảnh dịch bệnh, Sở Du lịch cũng đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp hết mức có thể.

“Các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ phải chấp nhận bán, đây là quy luật cung cầu của thị trường. Giả sử chưa có dịch bệnh nếu họ kinh doanh thua lỗ thì họ vẫn phải sang nhượng”, bà Hạnh cho hay.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, thừa nhận có tình trạng nhiều khách sạn rao bán vì khó khăn. Những khách sạn rao bán chủ yếu là nhà nghỉ, khách sạn 1-3 sao. Có khách sạn 4 sao nhưng không nhiều. Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho rằng đó là điều bình thường, quy luật cung cầu của thị trường.

“Không phải vì dịch thì các khách sạn ở Đà Nẵng mới rao bán. Trước dịch cũng đã có các hoạt động chuyển nhượng, mua bán khách sạn. Tuy nhiên, có thể do dịch nên hoạt động này tăng lên. Nguồn cung hiện nay lớn trong khi cầu giảm nên các nhà đầu tư sẽ cân nhắc chỗ nào đầu tư hợp lý hơn thì họ sẽ rút vốn ra”, ông Dũng đánh giá.

Ông Dũng khẳng định, dù có xảy ra tình trạng rao bán khách sạn sau dịch thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc phục vụ khách của Đà Nẵng bởi thành phố có tới hơn 1.100 khách sạn. Năng lực du lịch của Đà Nẵng rất lớn.

“Thậm chí, điều này còn có tác dụng sàng lọc doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cảm thấy kinh doanh khó bắt kịp xu hướng, có thể thua lỗ kéo dài thì sàng lọc. Còn những doanh nghiệp lớn hơn, quy mô lớn hơn, có nguồn tài chính tốt, có thể trụ lại lâu hơn thì họ sẽ phục vụ khách tốt hơn, đó là quy luật của thị trường”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận.

 

Theo: vietbao.vn