'Với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thăm dò ý kiến ĐBQH để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện. Kết quả lấy ý kiến là thể hiện sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội'.
TTO - 'Với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thăm dò ý kiến ĐBQH để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện. Kết quả lấy ý kiến là thể hiện sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội'.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (trái) và đại biểu Nguyễn Thanh Hồng tại buổi họp báo - Ảnh: L.KIÊN
Kết quả thăm dò ý kiến ĐBQH về các dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là chuyện được dư luận rất quan tâm trong hôm qua 17-11, khi các phương án trình Quốc hội đều không được đa số đại biểu đồng tình.
Theo đó, có đến 302 đại biểu (62,79% tổng số ĐBQH) cho rằng không nên tách Luật giao thông đường bộ làm hai. Việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an cũng nhận được ý kiến không đồng tình của 321 ĐBQH (66,74%).
Hơn 60% ĐBQH cũng đề nghị để lại dự án luật để Quốc hội khóa XV xem xét. Kết quả thăm dò ý kiến về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cho thấy có tới hơn 60% ĐBQH cho rằng chưa cần thiết ban hành luật này.
Các kết quả thăm dò nêu trên là sự kiện đáng chú ý trong hoạt động của Quốc hội, bởi cả ba dự án luật đều đã được đưa vào chương trình nghị sự và đều trải qua các bước thảo luận tại tổ và ở hội trường. Vì thế tại cuộc họp báo ngay sau phiên bế mạc do Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì, các phóng viên nêu ra nhiều câu hỏi.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có phương án xử lý như thế nào với kết quả thăm dò ý kiến ĐBQH nêu trên?" - phóng viên Tuổi Trẻ hỏi. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đáp: "Trước tình trạng mỗi năm chúng ta phải chứng kiến hàng ngàn người chết vì tai nạn giao thông, Chính phủ sốt ruột muốn tìm giải pháp cho công tác quản lý lĩnh vực giao thông tốt hơn. Việc tách luật là sáng kiến của Chính phủ và các dự án luật đã được trình đúng với quy trình, thủ tục được pháp luật quy định. Nhưng qua lấy phiếu thăm dò ý kiến thì kết quả như vậy, nên chúng tôi sẽ chuyển đến Chính phủ để cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu. Việc tiếp tục trình hai luật hay một luật hay giải pháp tiếp theo như thế nào Chính phủ sẽ kiến nghị".
Khi phóng viên báo Đầu Tư hỏi: "Kết quả như trên là bước tiến hay bước lùi trong hoạt động lập pháp?", ông Phúc nói là ông nhận thấy "có cả tiến và cả lùi". "Khi trình ra Quốc hội là quyền của Quốc hội. Chúng tôi đã rất cầu thị là xin ý kiến ĐBQH, sau đó sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. ĐBQH đã cho ý kiến rất cụ thể, chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ ý kiến cho Chính phủ để Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện" - ông Phúc nói.
Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang bày tỏ: "Với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thăm dò ý kiến ĐBQH để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện. Kết quả lấy ý kiến là thể hiện sự dân chủ trong hoạt động của Quốc hội, chứ không phải có vấn đề tiến hay lùi".
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng: ‘Tôi phát biểu không phải là ăn cây nào rào cây ấy’
TTO - Ông Hồng trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online về sự khó khăn khi đồng thời là đại biểu Quốc hội và cán bộ biệt phái của ngành công an khi phát biểu về dự án luật.
LÊ KIÊN - NGỌC AN
Theo: tuoitre.vn