Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa áp dụng các kỹ thuật cao để cứu sống bệnh nhân bị ngừng tim đột ngột.
Bệnh nhân là T.T.H. (26 tuổi, ở huyện Thanh Thủy, quê Phú Thọ), có tiền sử động kinh từ nhỏ, vẫn duy trì dùng thuốc theo đơn tại nhà. Ngày 22/3/2024, bệnh nhân đột nhiên co giật nhiều kèm tím tái, vào trung tâm y tế huyện có diễn biến suy hô hấp, ngừng tim phải cấp cứu liên tục khoảng 30 phút để tim đập trở lại.
Tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, các bác sĩ đã xác định đây là trường hợp rất nặng và ngay lập tức áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực, chuyên sâu nhất như thở máy, lọc máu liên tục, thăm dò huyết động PiCCO,… đặc biệt là hạ thân nhiệt chỉ huy và đặt Catheter đường hầm có Cuff lọc máu.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân.
Đây là những kỹ thuật cao, chuyên sâu nhưng đã được thực hiện thường quy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ áp dụng cho người bệnh trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn. Sau hơn 20 ngày điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, bệnh nhân đã tỉnh táo, tự thở, huyết động ổn định và đã được ra viện, có hẹn tái khám, kiểm tra định kì.
TS.BS Hà Thị Bích Vân – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, đây là một trường hợp rất nặng, tiên lượng tử vong cao. Nhờ áp dụng các biện pháp hồi sức kỹ thuật cao cùng sự đồng bộ, chuyên nghiệp của các bác sĩ đã giúp bệnh nhân vượt nguy hiểm để trở lại với cuộc sống.
Tính từ đầu năm 2024 đến, có trên 10 ca bệnh ngừng tuần hoàn đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cứu sống nhờ hồi sinh tim phổi kịp thời và áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực chuyên sâu như lọc máu, hạ thân nhiệt chỉ huy…
Mô phỏng phương pháp hạ thân nhiệt (Ảnh: TL)
Theo các chuyên gia y tế, ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả. Mặc dù đã có những tiến bộ trong quá trình điều trị, tỷ lệ sống sót ở bệnh nhân sau ngừng tuần hoàn còn thấp, nguy cơ di chứng thần kinh nặng nề vì sau ngừng tuần hoàn sẽ gây tổn thương não, tổn thương tim và các phản ứng viêm có hại khác… nguy cơ phù não, viêm và hoại tử dẫn tới chết não và tử vong.
Các tổn thương não sau ngừng tuần hoàn thường không hồi phục và để lại di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong. Tuy nhiên, việc hạ thân nhiệt kịp thời sẽ ngăn chặn đáng kể quá trình tổn thương này, từ đó giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội hồi phục hơn, mang lại kết quả điều trị tốt, đồng thời hạn chế tối đa di chứng thần kinh.
Nam Anh
Theo: Nguồn giadinhonline.vn