Ngày 24/10/2021 21:30

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Chưa dự báo đúng cung

Ngành nông nghiệp chưa dự báo đúng thị trường, chưa điều tiết được cung - cầu thịt heo, cần phải chấn chỉnh, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Liên quan câu chuyện nguồn cung heo trong nước dư thừa, giá hơi giảm nhưng giá thịt bán ra thị trường vẫn cao, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan có những chia sẻ với báo giới bên lề kỳ họp Quốc hội, ngày 24/10.

- Vì sao thời gian qua, người chăn nuôi bán giá heo hơi rất thấp nhưng giá thành phẩm đến tay người tiêu dùng lại rất cao, thưa Bộ trưởng?

- Các thông tin không chính xác có thể ảnh hưởng đến cảm xúc người nông dân và tạo hiệu ứng về giá cả. Đơn cử như thông tin tồn đọng 8 triệu con heo trong chuồng khiến người nông dân lo ngại, dẫn đến việc bán nhanh, bán tháo, bán bằng mọi giá. Cùng lúc nhiều người bán, thị trường lại bị đứt gãy do Covid-19, nhà hàng, khu du lịch không mở cửa... Giá cả được quyết định đơn thuần dựa vào cung và cầu, bây giờ thêm yếu tố cảm xúc sẽ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền khiến giá heo hơi đi xuống.

Trong khi đó, hệ thống siêu thị có những đơn hàng đã đặt trước 5-7 tháng. Họ nói khi giá mua vào cao, siêu thị vẫn phải bán giá cũ. Bà con nông dân cũng nói với tôi là cùng lúc bán khoảng 40 con, thương lái thu mua, đem về lò mổ và vẫn nuôi tiếp 5 đến 15 ngày để bán dần theo nhu cầu thị trường. Tức thương lái phải chịu thêm thức ăn cho heo, tiền lưu kho, lưu bãi...nên chi phí đội lên.

Đó là một chuỗi cung ứng và chúng ta phải quen dần với vấn đề cung - cầu của thị trường, sẽ có lúc lên lúc xuống, không thể nào cân bằng tuyệt đối, đặc biệt trong thời điểm cục bộ.

- Số liệu thống kê 8 triệu con heo tồn đọng là không chính xác, vậy thực trạng heo tồn đọng hiện tại như thế nào?

- Chúng tôi đang thống kê lại, vì từ trước đến nay thống kê đơn giản quá. Mấy triệu con ở trong chuồng là rất lớn, nhưng cần phải phân loại vì heo xuất chuồng theo lứa, theo đợt chứ không phải một lúc là bán hết. Vì thế, nếu đưa thông tin "còn hàng triệu con heo trong chuồng" sẽ khiến bà con nông dân choáng, thấy quá nhiều nên giá nào cũng phải bán, gây hoảng loạn thị trường.

Ngành nông nghiệp phải phân tích lại theo từng thời điểm, rà soát cụ thể. Tất nhiên điều này cũng khó khăn vì chăn nuôi nước ta quá nhỏ lẻ, khó kiểm đếm được. Vì thế, tôi có ý tưởng tiến tới ngành nông nghiệp phải đăng ký để nhà nước có số liệu, nhưng khi đưa ra mọi người lại nói ông Bộ trưởng này muốn kiểm soát người dân, tăng thủ tục phiền hà.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Chưa dự báo đúng cung

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Giang Huy

- Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong vấn đề này ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Đúng là ngành nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm, chưa dự báo thị trường và điều tiết được, ngay cả trong điều kiện bình thường. Trong điều kiện bất thường như Covid-19 thì càng khó dự báo. Toàn ngành sẽ phải chấn chỉnh lại.

Chúng ta có nền sản xuất mù mờ, từ nuôi trồng, tiêu dùng đến trung tâm phân phối. Người nông dân "mù mờ" về nhu cầu thị trường, tiêu thụ, sản lượng, quy chuẩn chất lượng. Việc nuôi trồng thường dựa trên thông tin loáng thoáng, truyền tai nhau. Người kinh doanh nông sản "mù mờ" về nơi sản xuất, khiến việc kết nối tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Người tiêu dùng "mù mờ" về nguồn gốc xuất xứ, về an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp tiêu thụ "mù mờ" về sản lượng cho đến thời điểm thu hoạch. Còn cơ quan quản lý chuyên ngành các cấp cũng "mù mờ" về thông tin mùa vụ, về nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Nhiều điểm mù mờ gặp nhau nên rất khó dự báo.

- Ngành nông nghiệp dự báo thế nào về cung cầu từ nay đến cuối năm và giải pháp kiểm soát giá là gì?

- Hiện đã có "luồng xanh", đô thị, chợ truyền thống cũng đã mở cửa lại, thịt heo đã tăng 5.000-7.000 đồng một kg. Khi mở thị trường du lịch, bếp ăn tập thể, cơ quan làm việc bình thường... sẽ tác động đến cung cầu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn không thể tác động cung cầu để giá lên. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Chính phủ, trong ngắn hạn làm sao giải quyết được vấn đề lưu thông, không bị tắc ở khâu vận chuyển. Thời gian qua, dịch bệnh làm phát sinh chi phí, thương lái sẽ cộng vào giá thành, đẩy giá thu mua xuống để bù lại.

Việc phòng chống Covid-19 không có trong tiền lệ, không phán đoán hết được. Phòng, chống dịch giữa các địa phương cũng khác nhau, nên chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Trong khoảng 4 tháng qua, thị trường cần nhưng nông sản không tới được do vấn đề "luồng xanh", "luồng đỏ".

Bộ trưởng không phải người quyết định tất cả mọi câu chuyện thị trường. Một lần nữa, với dòng người từ các đô thị về các địa phương, rất có thể lại bắt đầu bùng dịch lên. Mới đây có thông tin xuất hiện chủng mới còn nguy hiểm hơn chủng Delta. Khi nào nó tới cũng không ai biết được. Vì vậy, tất cả mọi phương án là dự trù. Chúng tôi sẽ phân tích nguồn cung, rà soát nhu cầu tiêu dùng những dịp Tết trong nhiều năm qua, phân tích số liệu, làm việc các trung tâm phân phối để có kịch bản cho dịp Tết.

Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp nhu cầu vaccine của toàn bộ chuỗi ngành hàng nông nghiệp, để Bộ Y tế phân bổ vaccine, tập trung chuỗi ngành hàng nông sản phục vụ dịp Tết để giảm chi phí, tăng giá cho người nông dân. Tôi cũng mong người dân cố gắng bình tĩnh. Bộ sẽ làm hết trách nhiệm chứ không vô cảm.

- Bộ tính toán thế nào về giải pháp căn cơ để thúc đẩy nền chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi heo ở Việt Nam phát triển bền vững?

- Xưa nay, ngành nông nghiệp xem sứ mệnh của mình là khuyến khích sản xuất, nên cứ sản xuất và đi theo dõi sản xuất, xem địa phương có bao nhiêu lúa, cá, tôm. Đó không phải là kinh tế thị trường, chỉ là nông sản thô đang nằm trên cánh đồng. Mình nhầm lẫn cái đó nên bây giờ để không mù mờ thì phải có số liệu.

Trước giờ, cơ quan chức năng cứ khuyến khích ngành nông nghiệp sản xuất chăn nuôi trồng trọt làm sao tốt nhất, còn chuyện mua bán là của bà con, nhưng vậy không được. Ngành nông nghiệp phải đảm nhiệm luôn cả câu chuyện thị trường, bởi thị trường quyết định việc khuyến khích bà con cần tăng cái gì, giảm cái gì.

Nhiều khi khuyến khích tăng sản lượng không đồng nghĩa với tăng thu nhập, thậm chí có thời điểm còn ngược lại, như thời điểm này, sản lượng thịt cao nhưng thu nhập người dân lại lao đao.

Để thích nghi với quy luật thị trường, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp địa phương phải tập hợp và thống kê trên địa bàn mình, ước lượng được sản lượng thu hoạch theo từng thời điểm là bao nhiêu. Công nghệ số giải quyết chuyện đó rất dễ dàng. Trí tuệ nhân tạo kết nối người vạn vật, cũng kết nối được nông sản đầu vào và đầu ra.

Theo: vnexpress.net

Tags: