Ngày 27/05/2022 06:01

Apple cân nhắc rời Trung Quốc chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ: Vì sao cứ mãi ‘dậm chân tại chỗ’?

Apple có 200 tỷ USD tiền mặt, hàng loạt đối tác sẵn sàng mở cửa chào đón họ dịch chuyển chuỗi sản xuất, vì sao hãng này chưa quyết định?

Phần lớn sản phẩm của Apple hiện chủ yếu được lắp ráp tại Trung Quốc - điều đã khiến ông lớn này đau đầu trong suốt những năm gần đây. Theo nhiều nguồn tin, gã khổng lồ công nghệ đang cân nhắc việc mở rộng sản xuất ở những nơi khác, hạn chế phụ thuộc vào Trung Quốc. WSJ mới đây đã chỉ đích danh Ấn Độ và Việt Nam nằm trong danh sách ưu tiên số một và số 2 của công ty có trụ sở tại Cupertino.

Apple có thừa tiềm lực để làm điều đó, nhưng tại sao tiến độ lại chậm trễ như vậy?

Đặt đại bản doanh chuỗi cung ứng tại Trung Quốc từng là niềm tự hào của Apple nhưng giờ đây lại biến thành nỗi lo lớn nhất

Apple muốn nói với thế giới rằng chuỗi cung ứng của họ mang tính toàn cầu và nó không phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế là Táo khuyết phụ thuộc cực lớn vào quốc gia đông dân nhất thế giới và mối quan hệ phức tạp này đã khiến công ty, nhà đầu tư và cả người tiêu dùng đau đầu trong bối cảnh hiện nay.

Trong buổi công bố báo cáo tài chính quý II (quý kết thúc vào cuối tháng 3/2022) của Apple hồi đầu tháng 5, Apple cảnh báo sự thiếu hụt nguồn cung - phần lớn do Trung Quốc đóng cửa vì Covid-19 - sẽ khiến doanh thu của hãng giảm đến 8 tỷ USD. Con số này tương đương với toàn bộ doanh số iPad của hãng trong 1 quý.

Apple cân nhắc rời Trung Quốc chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ: Vì sao cứ mãi ‘dậm chân tại chỗ’?

Tình trạng giãn cách tại nhiều địa phương của Trung Quốc khiến Apple thiệt hại nhiều tỷ USD.

Trong cuộc họp, CEO Tim Cook một lần nữa khẳng định lập trường rằng chuỗi cung ứng của Apple là "toàn cầu thực sự" với các sản phẩm được sản xuất ở khắp nơi, bao gồm cả Mỹ. Tuy nhiên, hiện hơn 90% các sản phẩm gồm iPhone, iPad, MacBook của hãng đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Tim Cook cũng ám chỉ Apple đang tìm cách để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc. "Chúng tôi tiếp tục xem xét việc tối ưu hoá".

Hiện tại, nhiều linh kiện sản phẩm Apple được sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Các linh kiện của iPhone, iPad, Mac và các sản phẩm khác được sản xuất trên khắp thế giới, từ Mỹ, sang Ấn Độ, Việt Nam, đến Nhật Bản.

Nhưng điểm nghẽn thực sự trong sản xuất là quy trình lắp ráp (viết tắt là FATP – lắp ráp, kiểm tra và đóng gói hoàn thiện). Phần lớn thiết bị Apple đều trải qua quy trình FATP tại Trung Quốc. Đó là lý do tại sao MacBook Pro, iPad hoặc iPhone của bạn được ghi "Assembled in China".

Đây là mô hình do Tim Cook tiên phong gây dựng lên, tập trung hoá việc lắp ráp tại một điểm trong khi linh kiện được vận chuyển từ khắp nơi trên thế giới. Trong nhiều thập kỷ, phương pháp này cho phép Apple hưởng lợi từ lao động chi phí thấp và các chính sách hỗ trợ của chính phủ - đồng thời tiếp cận người tiêu dùng Trung Quốc.

Nhưng giờ đây, Apple bị ảnh hưởng lớn bởi chính hệ thống vận hành được xem là ưu việt này. Nhiều nhà máy của Trung Quốc đóng cửa vì Covid-10 dẫn đến việc lắp ráp hoàn thiện thiết bị Apple với tốc độ chậm hơn, lượng hàng tồn kho ít hơn và doanh số thấp hơn.

Nếu điều này chỉ xảy ra một lần, Apple sẽ dễ dàng "sống chung với lũ" trong thời gian ngắn, thực hiện một số chỉnh sửa và sau đó tiếp tục. Nhưng thực tế là chiến lược lắp ráp sản phẩm tại trung Quốc của Apple đã gặp vấn đề trong nhiều năm – thậm chí trước khi đại dịch xảy ra.

Apple cân nhắc rời Trung Quốc chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ: Vì sao cứ mãi ‘dậm chân tại chỗ’?

Một nhà máy lắp ráp iPhone của Foxconn tại Ấn Độ.

Ý chí của CEO Tim Cook

Tuy nhiên, bất chấp tác động tiêu cực rõ ràng của Trung Quốc đối với công ty, Tim Cook vẫn bảo vệ chiến lược sản xuất mà ông gây dựng.

"khi bạn đánh giá thật kỹ và xem chuỗi cung ứng đã hoạt động như thế nào. Bạn sẽ thấy nó rất linh hoạt", Cook nói. Ông nhấn mạnh rằng nhiều hãng điện tử tiêu dùng lớn đã phải vật lộn với tình trạng thiếu chip trong khi Apple đã "thực hiện tốt công việc của mình trong giai đoạn khó khăn".

Đánh giá đó, tất nhiên, công bằng. Apple vẫn có thể tạo ra doanh thu gần 80 tỷ USD từ các sản phẩm phần cứng trong quý II và ước tính doanh thu 62 tỷ USD trong quý hiện tại. Nhưng 8 tỷ USD vẫn là 8 tỷ USD và Apple cần tìm các giải pháp.

Theo: Nguồn vietbao.vn