Thông qua luật giúp ông có thể tại nhiệm đến 2036, Putin dường như muốn khẳng định sẽ không cho phép bất kỳ bất ổn chính trị nào xảy ra.
Thông qua luật giúp ông có thể tại nhiệm đến 2036, Putin dường như muốn khẳng định sẽ không cho phép bất kỳ bất ổn chính trị nào xảy ra.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/4 ký luật cho phép ông tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa sau khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2024.
Nếu tham gia tái tranh cử và giành chiến thắng trong hai nhiệm kỳ tiếp theo, trên lý thuyết, Putin hoàn toàn có thể kéo dài thời gian cầm quyền của mình tới năm 2036, trở thành lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nga từ thời Peter Đại đế.
Tổng thống Nga Putin chủ trì một cuộc họp ở thủ đô Moskva hồi tháng hai năm ngoái. Ảnh: Reuters.
Kế hoạch này bắt đầu được nhen nhóm từ tháng ba năm ngoái, khi Phó chủ tịch Hạ viện Nga Valentina Tereshkova đề xuất sửa đổi hiến pháp, thiết lập lại các nhiệm kỳ tổng thống trước đây về 0, đồng nghĩa Putin có thể tái tranh cử thêm hai nhiệm kỳ nữa, mỗi nhiệm kỳ kéo dài 6 năm.
Tổng thống Nga sau đó cho biết ông tán thành đề xuất từ Tereshkova. Putin chưa tuyên bố sẽ tái tranh cử sau năm 2024, nhưng nói rằng ông nên có quyền tiếp tục được chạy đua vào chiếc ghế quyền lực nhất của Nga vì sự ổn định của đất nước.
"Ông ấy truyền đi thông điệp rằng sẽ không có gì thay đổi, mọi thứ vẫn như cũ", giáo sư chính trị Grigorii V. Golosov tại Đại học châu Âu ở St. Petersburg, khi đó nhận xét.
Thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny gọi đề xuất này là nỗ lực biến Putin thành "tổng thống trọn đời". "Những thứ đang diễn ra thật thú vị", Navalny viết trên Twitter năm ngoái. "Putin đã nắm quyền trong 20 năm nhưng sắp tới ông ấy sẽ được coi là lần đầu ra tranh cử".
Maksym Eristavi, nhà nghiên cứu tại nhóm nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, cho rằng Putin từng cân nhắc các phương án khác để tiếp tục giữ quyền lực ở hậu trường sau khi mãn nhiệm năm 2024, vì cảm thấy không có cơ hội tái tranh cử do giới hạn nhiệm kỳ tổng thống trong hiến pháp Nga. Nhưng tình hình thế giới hiện nay đã mở ra cơ hội cho ông, khiến ông loại bỏ các tính toán trước đây và quyết định thúc đẩy thay đổi lớn.
"Giờ ông ấy có cơ hội vì Covid-19, vì khủng hoảng, vì sự bất ổn đang gia tăng", Eristavi đánh giá.
Theo một số nhà phân tích, việc ký luật mới không hẳn có nghĩa rằng Putin muốn tiếp tục làm tổng thống mà chỉ đơn giản là ông muốn tránh một cuộc cạnh tranh quyền lực trong nhiệm kỳ cuối của mình.
Trong một bài viết trên trang Conversation, phó giáo sư Alexei Muraviev nhận định, dù tỷ lệ tín nhiệm của Putin đã giảm xuống 35% vào năm ngoái, mức thấp nhất trong 6 năm trở lại đây, việc ông ký luật mới không nhằm đối phó với tình trạng suy giảm lòng tin công chúng.
Theo Muraviev, những thay đổi trong hiến pháp có thể được giải thích bởi ba yếu tố. Đầu tiên, Tổng thống Putin có thể chưa tìm được người nào đủ khả năng kế nhiệm ông. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với các đồng minh Putin còn khá thấp.
Thứ hai, động thái phát đi tín hiệu về khả năng Putin tiếp tục nắm quyền nhằm tạo ra động lực hỗ trợ ngay lập tức đối với những thị trường đầy biến động của Nga, vốn đã chao đảo sau khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về việc cắt giảm sản lượng dầu sụp đổ.
"Logic rất đơn giản: Bằng cách truyền đi tín hiệu về khả năng tiếp tục tại vị, Putin đang cố gắng trấn an các nhà đầu tư rằng Nga sẽ không bị lún sâu vào những bất ổn chính trị nội bộ", Muraviev đánh giá.
Thứ ba, một tác động khác đến từ 20 năm cầm quyền của Putin là giờ đây, cử tri Nga không nhìn thấy bất kỳ triển vọng nào ở phe đối lập.
"Với hầu hết người dân Nga, hình ảnh Tổng thống Putin gắn liền với sự trỗi dậy, vươn lên thành cường quốc của đất nước, sự hồi sinh sức mạnh quân sự quốc gia và sự ổn định của nền kinh tế so với thời kỳ biến động những năm 1990", chuyên gia này nói thêm.
Vũ Hoàng (Theo ABC News, Vox, Guardian, AFP)Trở lại Thế giớiTrở lại Thế giớiChia sẻ ×
Theo: Nguồn vnexpress.net