Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành TP.HCM bắt tay cùng doanh nghiệp vùng Đông Bắc trao đổi khách, phát triển sản phẩm và kích cầu du lịch, nhắm đến mục tiêu tăng lượng khách hai chiều mỗi năm ít nhất 20%.
TTO - Các doanh nghiệp du lịch, lữ hành TP.HCM bắt tay cùng doanh nghiệp vùng Đông Bắc trao đổi khách, phát triển sản phẩm và kích cầu du lịch, nhắm đến mục tiêu tăng lượng khách hai chiều mỗi năm ít nhất 20%.
Giới thiệu đặc sản tỉnh Cao Bằng tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc năm 2020 - Ảnh: N.BÌNH
Chuỗi liên kết du lịch TP.HCM với các vùng nhằm phát triển du lịch nội địa tiếp tục được nối tiếp với vùng Đông Bắc ngày 20-11 tại tỉnh Quảng Ninh.
Tại hội nghị "Liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc năm 2020", các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đến từ TP.HCM đã bắt tay với các doanh nghiệpvùng Đông Bắc gồm Bắc Kạn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc; cam kết cùng đưara nhiều sản phẩm mới với giá cả, dịch vụ tốt hơn cho du khách nội địa.
Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2020 tổng số du khách quốc tế đến thành phố chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ và tổng số du khách đến 8 tỉnh Đông Bắc chỉ đạt 14,6 triệu lượt, giảm 36%.
Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, có hơn 1.500 doanh nghiệp lữ hành của TP và gần 200 doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh Đông Bắc bị tác động, phần lớn bị sụt giảm số lượng khách lẫn doanh thu, nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang loại hình kinh doanh khác hoặc đóng cửa.
"Trong liên kết vùng, sản phẩm du lịch chủ lực của TP.HCM là du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện, mua sắm, giải trí sẽ mở ra những cơ hội đầu tư tuyệt vời cho doanh nghiệp TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc", ông Phong cho biết.Theo bà Trần Nguyện, giám đốc kinh doanh Sun Group, so với các vùng khác, vùng Đông Bắc được đánh giá là khu vực sở hữu hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng bậc nhất cả nước cả về tự nhiên lẫn các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh.Mặc dù TP.HCM được xem là thị trường khách nội địa lớn nhất cả nước, song việc thu hút du khách đến từ thị trường này vẫn bị xem là điểm yếu của vùng Đông Bắc trong nhiều năm qua do bất lợi về giao thông và thiếu sự liên kết giữa các địa phương để tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng, chuyên nghiệp đủ hấp dẫn đối với du khách đến từ miền Nam."Qua các đợt kích cầu, chúng tôi nhận thấy rõviệc liên kết trong phát triển du lịch, dưới sự dẫn dắt tích cực, năng động của lãnh đạo địa phương, sự hợp tác của các doanh nghiệp, đã đem đến những kết quả tích cực", bà Nguyện nói, đồng thời cho rằngTPHCM có khoảng 9 triệu dân, chỉ cần thu hút được 1/3 dân số này đi du lịch là vùng đã thành công.Ngược lại, đểthu hút khách từ vùng Đông Bắc, TP.HCM có thể thực hiện chiến dịch quảng bá hàng đặc sản từ TP.HCM, miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ tại khu vực này, tổ chức triển lãm giới thiệu các sản vật, vựa hoa quả từ miền Nam ở Hạ Long.
Bà Nguyễn thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, giới thiệu bản đồ số hóa của du lịch TP.HCM với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: N.BÌNH
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao ý tưởng liên kết vùng phát triển du lịch nội địa của TP.HCM,đồng thời nhấn mạnh du lịch trong nước sẽ là hướng trọng tâm, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch tồn tại và phục hồi."Trong quá trình chuẩn bị đón khách quốc tế trong một năm tới, ngành du lịch cần đẩy mạnh số hóa, cần tận dụng tối đa công nghệ vào du lịch, làm sao để du khách đi du lịch tất cả chỉ với smartphone trong tay. Chúng ta cần số hóa toàn bộ sản phẩm du lịch, các điểm tham quan... đến nhà hàng khách sạn làm sao để khách đi du lịch có thể chủ động biết trước hết các thông tin về tour tuyến, các điểm du lịch.Quá trình này cũng chuẩn bị cho việc mở lại thị trường quốc tế, nhiều thị trường chúng ta thiếu hướng dẫn viên thì sẽ được máy thuyết minh. Đây là việc chúng ta phải làm, cố gắng làm nhanh trong khi thị trường quốc tế chưa mở cửa", Phó thủ tướng nhấn mạnh.Theo thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với 8 tỉnh Đông Bắc, giai đoạn 2020 - 2025, các tỉnh, thành phố tham gia bảo đảm đồng thuận, phát huy vai trò chủ động, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ nhau, tạo hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, doanh nghiệp tham gia hợp tác kinh tế - văn hóa - xã hội, hợp tác bảo tồn, phát huy giá trị tài nguyên du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Theo các doanh nghiệp, sau các chuyến khảo sát, một số tour mới đến vùng Đông Bắc đã ra đời. Ông Võ Anh Tài - phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn - cũng cho biết trong khuôn khổ hợp tác du lịch giữa hai địa phương, Saigontourist vừa khảo sát và đưa 2 tuyến du lịch mới cho du khách từ TP.HCM và các nơi khác đến vùng Đông Bắc.
Khai thác khéo léo văn hóa và con người vùng Tây Bắc, Đông Bắc
TTO - Có một quán cà phê tên AnHouse ở TP.HCM, mà vào đó bạn cứ ngỡ mình đang ở Tây Bắc. Chủ nhân của nó là anh Trường An, một hướng dẫn viên du lịch có thể say sưa nói về văn hóa, con người… ở Tây Bắc không biết mệt.
N.BÌNH
Theo: tuoitre.vn